Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Náo nhiệt lễ hội Phủ Dày

Hàng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch, nhân dân xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định lại nô nức mở hội Phủ Dày để tưởng nhớ tới ân đức của Mẫu.

Thời gian: Từ mùng 3 đến ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch
Địa điểm: Tại Phủ Dày thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

Đi du lịch Nam Định tham quan Phủ Dày du khách sẽ được khám phá một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống đầy tính nghệ thuật, mỹ thuật của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong 21 công trình kiến trúc của quần thể Phủ Dầy có bộ ba kiến trúc liên quan chặt chẽ tới mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.

Quần thể kiến trúc Phủ Dày


Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một bậc "Mẫu nghi Thiên hạ" - vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một vị Thánh trong Tứ bất tử của Việt Nam. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được phụng thờ ở nhiều nơi như Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ, Phủ Sòng và rất nhiều các phủ, đền khác nhưng Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội lớn nhất, quy mô nhất.

Nghi thức quan trọng nhất trong hội Phủ Dày là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ phủ chính (Tiên Hương) lên chùa Gôi vào ngày 6/3. Đám rước Thánh Mẫu kéo dài gần 1km, rất trang trọng có nhạc trống linh đình. Đi đầu là hoà thượng cùng 2 vị sư niệm kinh phật vừa lần tràng hạt, tiếp theo là 4 kiệu Mẫu, phu kiệu mặc đồng phục, đầu quấn khăn, chân quấn xà cạp, có dây thắt ngang lưng. Kiệu Mẫu Đệ Nhất phủ khăn màu đỏ, Mẫu Đệ Nhị màu xanh, Mẫu Đệ Tam màu trắng thì phu kiệu cũng mặc theo màu như vậy nên trông rất trang nghiêm và đẹp mắt.

Nghi lễ rước Thánh Mẫu


Sau đó đến đội ngũ quan chức, già làng nhân dân với tư thế nghiêm chỉnh. Trong đám rước đan xen với kiệu còn có đội hình vác nghi trượng, đội hình con nhang đệ tử, thanh đồng mặc khăn áo chầu với đủ màu sắc đủ hình thức theo các giá hầu bóng…Theo sau là các đội đeo mặt nạ, phường bát âm, múa roi…Đặc biệt là có hội múa rồng bay với độ dài hàng trăm mét… khiến cho lễ hội thật sôi động náo nhiệt nhưng không kém phần oai nghiêm.

Hội Phủ Dầy còn có “Hội Kéo Chữ” còn gọi là Hội Hoa Trượng diễn ra vào các ngày 7,8,9 tháng ba thật đẹp mắt và khác biệt so với các hội khác. Đây là nét độc đáo của lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2 mét. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc chủ lễ xin Mẫu "ra chữ" sau đó theo nhịp trống chiêng rộn rã xếp thành những dòng chữ nho đầy ý nghĩa.

Hội thi kéo chữ đặc sắc


Hòa trong không khí sinh hoạt văn hóa dân gian, du khách còn được xem rước thỉnh kinh, rước kiệu bát cống long đình, xem múa rồng hội trên núi tiên vương... Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những điệu Chầu văn tha thiết. Về với Hội Phủ Dày, du khách như được trở về với cội nguồn dân tộc, được hòa mình vào những nét văn hóa truyền thống từ lâu vẫn được gìn giữ và lưu truyền tại nơi đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét