Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Bức tranh sơn thủy hữu tình của đền Đông Cuông

Có một ngôi đền từ lâu nức tiếng ở tả ngạn thượng lưu sông Hồng, đó là đền Đông Cuông, tọa lạc ở thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Giá trị của đền Đông Cuông không chỉ ở bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng, tâm linh, mà còn hấp dẫn du khách tour lễ hội đầu năm thập thương bởi ngôi đền nằm trong không gian, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đền Đông Cuông đã được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia từ năm 2009.


Đền Đuông Cuông còn có tên gọi khác là đền Đông Quang, đền Thần Vệ Quốc. Người xưa đã khéo chọn phương cắm hướng đẹp nhất của vùng thượng lưu châu thổ sông Hồng để xây dựng đền Đông Cuông. Thế đất binh sự-phên giậu nhưng không xa rời thế nhân, nơi đền tọa lạc rất tĩnh tại mà không hề hiu quạnh. Vì thế, vừa bước chân vào khuôn viên ngôi đền, du khách cảm thấy thư thái tâm hồn bởi không gian thoáng đãng, phía sau và bên phải, bên trái ngôi đền là một màu xanh mướt mát của núi rừng, đồng ruộng, cỏ cây, còn phía trước mặt đền là dòng sông Hồng mênh mang nước chảy. Nằm dưới những tán lá sum suê của cây đa ngót 800 tuổi quanh năm tỏa bóng mát, đền Đông Cuông như ở giữa một bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Nét độc đáo làm nên vẻ đẹp của Đông Cuông bởi ngôi đền này không chỉ thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, mà còn thờ các thần Vệ quốc-các vị thần người bản địa đã có công giúp dân dẹp giặc Nguyên-Mông như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng… Một số người địa phương thuộc nghĩa quân Tày, Nùng, Dao tham gia khởi nghĩa chống Pháp (những năm 1913-1914) thất bại, bị chính quyền Pháp giết hại cũng được người dân bản địa tôn thờ tại đền Đông Cuông.

Trong tâm thức của người dân nơi đây, Mẫu Thượng ngàn đã trở thành con người thực, gắn liền với sông núi, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho đồng bào các dân tộc trong vùng, vì thế bà con luôn coi Đông Cuông là một ngôi đền linh thiêng. Đền Mẫu Thượng ngàn Đông Cuông nằm trong trục văn hóa tâm linh dọc sông Hồng, gồm đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái) và đền Bảo Hà (Lào Cai). Người dân vùng thượng lưu sông Hồng có câu ca lưu truyền: “Thứ nhất là hội Đền Hùng, thứ nhì là hội Đông Cuông” để nói lên tính chất đông vui, nhộn nhịp của hai lễ hội truyền thống trong vùng. Hằng năm, Lễ hội đền Đông Cuông Yên Bái được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín (âm lịch), vật tế là trâu trắng (tháng Giêng) và trâu đen (tháng Chín). Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như múa dân gian, hát chèo, diễn tích, ném còn, đánh vật... với ước vọng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành.


Trong khuôn khổ các hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2017-Lào Cai-Tây Bắc với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, trong hai ngày 20 và 21-5-2017, tại đền Đông Cuông, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn lần đầu tiên, thu hút sự tham gia của 54 bản hội đến từ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều hoạt động tại Festival này đã quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nét văn hóa đặc sắc của đền Đông Cuông nói riêng và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nói chung, như: Carnaval thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu; thực hành 36 giá đồng; triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, thực hành nghi lễ thờ Mẫu, các nghi lễ của các dân tộc trong vùng; trình diễn trang phục khăn chầu áo ngự...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét