Hạ Long là điểm du lịch nổi bật của Quảng Ninh cũng như cả nước với hàng loạt các di sản, cảnh quan nổi tiếng. Đặc biệt thương hiệu du lịch Quảng Ninh cũng gắn liền với Vịnh Hạ Long từng được UNESCO công nhận là di sản thế giới và lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và khách du lịch thì sản phẩm du lịch Hạ Long còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa xứng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú sẵn có; nhiều tour du lịch chưa phát huy hết giá trị của danh thắng thuộc hàng nổi tiếng của ngành du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, Hạ Long chưa giữ chân được du khách khi đến tham quan, doanh thu từ du lịch còn chưa cao. Nhận thức được điểm yếu này, trong thời gian qua, Hạ Long đã có nhiều nỗ lực để phát triển các sản phẩm du lịch.
Du khách nước ngoài thích thú tham gia các hoạt động trên Vịnh Hạ Long
Thành phố đã dành nguồn lực thoả đáng từ nguồn ngân sách để ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội thị, hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch. Bằng việc nâng cấp đường bộ, các bến xe, bến tàu, tạo thuận lợi cho khách du lịch đến thành phố bằng cả đường bộ và đường biển, Hạ Long đã mở rộng không gian du lịch đưa khách đến tất cả các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long và các khu vực khác trên địa bàn. Đồng thời, mở rộng không gian về các hướng, như hướng Đông Nam ra Vịnh Hạ Long, bổ sung các điểm du lịch Đầu Bê, Hang Trai, Cống Đỏ; hướng Đông Bắc kết nối với khu du lịch Bái Tử Long và Vân Đồn, hướng Tây Nam bổ sung khu vực hồ Yên Lập… Cùng với đó, các loại hình du lịch cũng được phát triển như: Du lịch tham quan để đến với các hòn đảo và hang động của Vịnh Hạ Long; du lịch sinh thái để tìm hiểu các hệ sinh thái biển và ven biển; du lịch văn hoá để đến với núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, đền Trần Quốc Nghiễn, chùa Lôi Âm…; du lịch đô thị để đến với các phố TP Hạ Long, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, các bảo tàng, nhà văn hoá…; du lịch nghỉ dưỡng giải trí như đua dù, lướt ván… để đến với các công viên du lịch Hoàng Gia, Tuần Châu, đảo du lịch Ti Tốp… Nhờ những nỗ lực đó, tháng 9-2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2685/QĐ-UBND công nhận thêm 3 tuyến và 12 điểm du lịch trên địa bàn TP Hạ Long.
Cùng với đó, Hạ Long cũng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình và sản phẩm du lịch nhằm phát huy tài nguyên du lịch nổi trội của Vịnh Hạ Long, di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ, du lịch biển, tổ chức các sự kiện du lịch lớn. Thời gian gần đây, hàng loạt các dự án lớn về du lịch đã và đang được triển khai trên địa bàn như: Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại Dương, khách sạn Sheraton Ha Long Bay… Trong đó, Vinpearl Hạ Long Bay Resort – khu nghỉ dưỡng biển 5 sao lớn nhất đã được khai trương vào tháng 10-2015 với 384 phòng nghỉ sang trọng, được trang bị đầy đủ tiện nghi như: TV LCD, truyền hình kỹ thuật số, mạng internet không dây tốc độ cao, điện thoại, điều hoà, minibar, két bảo mật v.v.. Đồng thời, có bể bơi trong nhà, câu lạc bộ vui chơi cho trẻ em, phòng tập thể dục thể thao, phòng tắm hơi, khu vực spa, làm đẹp, nhà hàng, phòng họp hội nghị v.v.. Với cảnh quan đẹp, dịch vụ chất lượng cao, hiện nay Vinpearl Hạ Long Bay Resort đang là một điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn TP Hạ Long. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 595 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có trên 100 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao; 30 điểm mua sắm, nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và hàng loạt khu vui chơi giải trí được chú trọng đầu tư phát triển như: Casino Hoàng Gia, sân khấu biểu diễn cá heo, hải cẩu, sư tử và công viên nhạc nước Tuần Châu, Trung tâm thương mại và giải trí Marine Plaza, Big C, Vincom Hạ Long… Ngoài ra, với 500 tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, trong đó có 169 tàu lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách đã khiến hoạt động du lịch tại TP Hạ Long sôi động cả trên bờ và trên Vịnh, tạo ấn tượng sâu sắc với du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Hiện nay, Hạ Long cũng đang tiếp tục nâng cao chất lượng và hoàn thiện các điểm đến, các sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tập trung xây dựng các đề án phát triển du lịch ở phía Hòn Gai, phát triển thương hiệu các sản phẩm ẩm thực địa phương, kết nối du lịch Hạ Long với các địa bàn du lịch trọng điểm trong tỉnh và trong nước. Đặc biệt là kết nối các điểm du lịch Vân Đồn và trên Vịnh Hạ Long để tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng có bản sắc riêng như: Kết nối điểm du lịch Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn và khu vực Vông Viêng với khu tái định cư Cái Xà Cong, phường Hà Phong để tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu về cuộc sống hiện tại của người dân làng chài sau khi ổn định trên bờ; phát triển và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch ở khu vực trung tâm và phía Đông thành phố. Cùng với đó, phối hợp thực hiện kết nối các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, các địa phương để hình thành, phát triển, xâu chuỗi các tour, tuyến, chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét