Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc đền Hồng Sơn

Đền Hồng Sơn tọa lạc trên một khu đất cao ráo ngoảnh mặt ra sông Cửa Tiền thuộc phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh. Đền có khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng với nhiều loại cây cảnh nên dù gần chợ Vinh nhưng đền vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch. Đền Hồng Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1984 theo Quyết định số 114/QĐ-VH ngày 30/08/1984.


Đền Hồng Sơn có nét kiến trúc cổ kính nhưng không kém phần tráng lệ với 19 công trình gồm cả bảo tồn và xây dựng mới. Trong đó, tam quan, tạc môn, tháp, gác trống, gác chiêng và các tòa trung điện, thượng điện đã có từ thời Nguyễn. Còn những phần như: hạ điện, các lối hữu vu, tả vu, tả hiền, hữu hiền, sân giữa, bờ tường bao quanh mới được xây dựng sau này. Cách bố trí các công trình kiến trúc ở đây tuân thủ theo sự đăng đối từng cặp một và được nâng dần lên từ ngoài vào trong. Tòa nhà cao nhất là thượng điện, tạo cho đền một quần thể kiến trúc vững chãi, thâm nghiêm.



Hạ điện rộng 274m2, tuy mới được trùng tu năm 1998 nhưng nó đã lấy lại được phong cách kiến trúc của thời xưa. Trong đó, đặt các hương án bày khám thờ sơn son thiếp vàng, đính các câu đối, các bức đại tự cùng trống, chiêng, gươm, giáo bằng gỗ, là nơi thờ vọng chào rước các vị thành thần đi vào trung và thượng điện. Hạ điện cũng dành khoảng không gian cho việc hành lễ, tế lễ trong những ngày lễ trọng.

Trung điện rộng 65m2, là nơi tập trung những đặc sắc nghệ thuật về kiến trúc, các rường bẫy uốn cong có xoi lồng những búp sen cùng chim, cá sống động. Các giao điểm giữa cột và xà bẫy có chạm trổ tứ linh xen với các cành lá, hoa trái trông khá hài hòa. Đồ thờ và các bức câu đối đại tự cũng được chọn lọc, trần thiết trưng bày kỹ lưỡng hơn.


Đọc tiếp: Tour du lịch Hà Giang

Thượng điện rộng 102m2, mái cao xếp 4 tầng, các góc đều uốn cong và đắp những rồng, phượng. Ở đây, trên cao đặt tượng Ngọc hoàng Thượng Đế, kế đến là tượng và bài vị các tướng Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản… Hiện nay tại đền Hồng Sơn, bên trong các miếu điện là công trình kiến trúc cổ kính, mỹ lệ, còn lưu giữ được 383 hiện vật với chất liệu quý gồm nhiều loại hình phong phú, có giá trị nghệ thuật cao, là nơi hội tụ những văn hóa tế khí hiếm có ở tỉnh Nghệ An.

Tại ngôi Đền này mỗi năm có 3 kỳ lễ lớn gồm: Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch) và Giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (03/3 âm lịch)… Cùng với Thành cổ Vinh, Lâm viên núi Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh, nếu có dịp ghé qua Nghệ An, du khách hãy một lần đến Đền Hồng Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, một trong những quần thể di tích danh thắng của TP Vinh./.

Giá trị văn hóa độc đáo của Dinh Đụn


Dinh Đụn còn gọi là dinh bà U Linh Sạ Nữ Vương- nữ thần Chăm, nằm tại thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn). Đây được xem là sự bảo lưu dung hòa văn hóa Chăm- Việt trong tín ngưỡng thờ nữ thần Chămpa. Dinh Đụn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Người dân nơi đây tin rằng, dinh Đụn rất thiêng và đem lại sự bình an, may mắn cho cộng đồng làng.


Đọc thêm: Tour du lịch Sapa

Dinh Đụn được xây dựng khoảng thế kỷ 17. Đây là di tích gắn liền với thời kỳ khai phá Cù Lao Ré- Lý Sơn của các dòng họ tiền hiền ở phường An Vĩnh, An Hải. Trước đây, dinh Đụn được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá và giờ đã được xây dựng quy mô nhưng vẫn giữ được các giá trị của kiến trúc xưa.

Quần thể kiến trúc dinh Đụn bao gồm các công trình kiến trúc như nhà tiền tế, hậu tẩm và nhà bếp dùng để nấu nướng vào những dịp lễ hội. Kiến trúc dinh Đụn vốn kiểu chữ đinh nên nhà tiền tế có kết cấu gỗ còn hậu tẩm kết cấu xây tam hợp. Phía trước phần chính dinh có mái hiên tạo nên khoảng hiên tương đối thoáng, người ta dựng 4 cột xây kiểu vuông và tạo nên hai sập từ góc mái xuống nền.

Trên 4 cột trang trí 4 liễn đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Hai bên sập của hai bên đầu góc trang trí bức họa mai trúc, đường diềm bờ mái cũng trang trí bích họa rất đẹp. Bờ mái dinh Đụn đổ khuôn, đắp nổi hình tượng tứ linh, cách thức trang trí: Ở vị trí trang trí lưỡng long uốn mình quay đầu vào nhau, hai bên là các tượng lân, quy, phụng bố trí theo quy pháp đăng đối. Nghệ thuật tạo khối và sơn vẽ trên các tứ linh được nghệ nhân thể hiện theo kỹ thuật đúc khuôn. Trên đầu hồi của hai nóc mái trang trí cá hóa long đăng đối hai bên, 4 con cá chép ở hai đầu hồi quẫy đuôi uốn mình. Mỗi đầu hồi trang trí theo mô típ song ngư chầu vào mâm ngũ quả, được tạo tác đắp nổi rất cân xứng, hài hòa. Mô típ này thể hiện ước vọng phúc lộc đời đời của dân làng.

Đọc thêm: Du lịch Mai Châu

Trên đỉnh nóc mái dinh Đụn trang trí hai rồng tạo từ khuôn theo mô típ lưỡng long tranh châu. Trên 4 góc bờ mái dinh Đụn trang trí cặp đôi rồng, phượng theo kỹ thuật tạo khuôn theo mô típ long phụng hòa minh. Nhà tiền tế có hai bộ vì kèo, bộ vì kèo chính có hai trính thượng, trính hạ. Trong đó, trính thượng đỡ một trụ đội và trính hạ đỡ hai cột trốn quá giang qua trính, liên kết với xà, cột để đỡ bộ khung mái. Liên kết giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là bộ vì kèo cầu gồm có một trính nối qua hai cột để đỡ một cột trốn. Nối giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là máng xối.

Hậu tẩm được giữ nguyên gốc, xây dựng bằng đá ong tạo vách, gạch thẻ tạo vòm cuốn... Hậu tẩm xây kiểu vòm cuốn, chồng cổ diêm thành hai tầng, tầng dưới là khoảng không gian thờ phụng, tầng trên là khoảng không gian trống. Hậu tẩm chồng cổ diêm thành tám mái, lợp ngói âm dương, góc mái trang trí đầu đao. Đỉnh mái trang trí hồ lô, diềm mái gắn sành sứ.


Hiện dinh Đụn đang được bảo tồn và phát huy rất tốt. Đây là một trong các điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến với Lý Sơn. Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, dinh Đụn còn là nơi bảo tồn cây cổ thụ hùng vĩ và đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó là cây đa sộp gần 300 năm tuổi. Trải qua nhiều thế kỷ và đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhưng những cây cổ thụ trong khuôn viên dinh Đụn vẫn vươn lên xanh tốt như biểu tượng về sức sống mãnh liệt của con người trên đất đảo.

Đến nay, vào ngày 3.5 (Âm lịch) hằng năm, dân làng tập trung đông đủ để dự lễ cúng tế Bà. Việc thờ nữ thần Chăm của người Việt trên đảo Lý Sơn đã cho thấy những mảnh vỡ của văn hóa Chăm trong quá khứ vẫn còn được dung hòa trong lòng văn hóa Việt. Đó là sự bảo lưu, chuyển tiếp các hình thái tín ngưỡng và vẫn giữ được các giá trị của nó trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Nét đặc biệt trong kiến trúc lăng Khải Định

Cho đến ngày nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều công trình lăng tẩm của các vua triều Nguyễn được UNESCO công nhận là những di sản của thế giới. Đóng góp vào kho tàng mỹ thuật chung của nhân loại là các công trình lăng tẩm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang nhiều phong cách khác nhau thể hiện tính cách của bậc đế vương.

Trong 13 đời vua thì chỉ có 8 vua là có lăng tẩm. Tuy nhiên, trải qua biến thiên của thời gian, hiện nay chỉ còn lại 6 lăng là Lăng Gia Long, Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức. Trong đó lăng của Vua Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng được xây dựng tốn nhiều công sức và tiền của nhất, và thời gian để xây dựng cũng lâu nhất, kéo dài 11 năm trong một khu quần thể chưa đến 1 hecta (chiếm diện tích khiêm tốn so với các đời vua trước).


Đọc thêm: Tour Hà Giang

Lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm cách thành phố Huế 10km và là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn - Khải Định (1885-1925).

Bước lên ngai vàng giữa tuổi 31, Khải Ðịnh say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, Cung An Ðịnh, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Ðức và đặc biệt là Ứng Lăng.

Ứng Lăng được xây dựng trên triền núi Châu Chữ, có núi Chóp Vung và Kim Sơn lần lượt nằm bên tả và hữu, có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải gọi là “thủy tụ” và “minh đường”. Lăng có hình khối chữ nhật với 127 bậc tam cấp và Cung Thiên Định là trọng tâm. Vật liệu để xây dựng lăng bao gồm sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise… được Vua Khải Định mua từ Pháp và để trang trí nội thất ông cho mua đồ sành sứ, thủy tinh màu… tận Trung Hoa và Nhật Bản để phục vụ công trình.

Kiến trúc của Lăng Khải Định không tuân theo tôn chỉ một trường phái kiến trúc nhất định nào, mà là một sự kết hợp táo bạo nhiều trường phái kiến trúc từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothique đến Roman… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể, những cổng trụ hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Ðộ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây Thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể. Sự kết hợp đó thể hiện rõ nét về những ảnh hưởng mang tính chất thời cuộc đến tư tưởng của Vua Khải Định, khi nền văn hóa Đông - Tây có sự giao thoa trong thời điểm giao thời của lịch sử. Có lẽ chính vì vậy mà lăng Khải Định có cái lạ, có phần ngông nghênh, phô trương và độc đáo so với các công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam..


Công trình kiến trúc chính của lăng Khải Định chính là cung Thiên Định. Cung Thiên Ðịnh ở vị trí cao nhất gồm 5 phần liền nhau: hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là Ðiện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung Khải Ðịnh; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua bằng đồng đúc với tỷ lệ 1/1 và mộ phần ở phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của vua khi quá cố. Toàn bộ nội thất của ba gian giữa trong cung Thiên Ðịnh đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Ðó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... Những vật liệu cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Ðặc biệt chiếc bửu tán bên trên pho tượng đồng trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác nó được làm bằng nhung lụa, có thể xao động trước gió mà quên đi rằng nó đích thực là một khối bê tông cốt thép nặng gần một tấn.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Ðịnh là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của ba bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam. Ba tấm phù điêu này được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Theo đánh giá của những nhà chuyên môn thì lăng Khải Định thực sự là biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.



Với 11 năm xây dựng cùng sự đầu tư nguyên vật liệu hết sức kỹ lưỡng, Ứng Lăng được xem là một trong những công trình lăng tẩm tốn kém nhất thời đó. Tuy nhiên sự tốn kém và công phu này đã hình thành một công trình kiến trúc khá đặc sắc, mà bất cứ ai đến thăm cũng không khỏi trầm trồ.

Ở một phương diện nào đó, sự đầu tư thái quá của Vua Khải Định vào công trình lăng tẩm của ông khiến người đời chê trách, nhưng nhìn vào giá trị nghệ thuật kiến trúc, lẫn trang trí nội thất còn nằm nguyên vẹn ở từng cái cột, hàng rào, nhà bia, hay những bức khám sành sứ tinh tế, những bức phù điêu kết hợp sành sứ thủy tinh khá sắc sảo… người ta cũng phải thán phục thay, bởi chính cá tính ngạo nghễ của ông đã góp phần làm cho Ứng Lăng trở nên lạ và khá độc đáo trong lịch sử xây dựng lăng tẩm của các Vua triều Nguyễn./.