Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Khám phá làng cổ Nha Trang


Trong quá trình hình thành Khánh Hòa, trước khi Nha Trang chính thức trở thành thành phố thì miền đất này đã tồn tại hơn 300 năm. Chính vì thế mà trải qua bao nhiêu thăng trầm thời cuộc, trong lòng thành phố biển xinh đẹp này vẫn còn giữ lại một làng cổ với những gì rất riêng của một làng quê Trung Bộ.

Làng cổ nằm ở xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang. Đây được đánh giá là vùng quê lý tưởng nằm cách Nha Trang chừng 4 cây số, có một con đường chính ôm bọc lấy làng quê là Hương lộ 45. Ưu thế thứ hai là làng quê dựa sát dòng sông Cái xinh đẹp cho khách sau khi tham gia chuyến du lịch đường sông ghé qua.



Trong khu vực làng cổ còn tồn tại rất nhiều ngôi nhà cổ theo kiến trúc miền Trung. Người dân ở đây quen gọi đó là cách xây dựng Bát căn dần (ba gian có 36 cột ). Đa phần các nhà đều xây dựng cách đây hơn 100 năm, cửa gỗ và rường cột có chạm khắc. Những nhà cổ ở Nha Trang đều còn đậm nét nhà quê với sân vườn. Cửa nhà là những tấm gỗ khá cầu kỳ.

Để thực hiện chuyến du hành làng cổ, thường du khách đi từ bến đò dưới chân Tháp Bà hay ngay bãi thuyền bên chân cầu Hà Ra. Từ đây thuyền sẽ chở khách dạo quanh sông Cái để ngắm cồn Dê, vườn dừa Ngọc Thảo, cầu gỗ Vĩnh Phương cũng như nhìn những đàn vịt bơi trên sông và thuyền bè xuôi ngược đi về. Sau đó thuyền sẽ dừng lại ở bến sông là nhà của ông Nguyễn Xuân Hải. Từ bến sông khách sẽ thưởng thức cảm giác đi bộ trong vườn quê, hoàn toàn không có sự ồn ào thường thấy của tỉnh thành. Để đi thăm nhà cổ, xe sẽ đón khách đi thăm một số ngôi nhà cũng nằm trong vòng ôm của xã Vĩnh Thạnh. Thường thì tất cả những ngôi nhà ở đây đều có vườn trước nhà với nhiều cây trái khác nhau. Nhà nằm lọt giữa vườn và thường có sân phơi trước nhà. Điểm độc đáo ở chỗ là hàng rào ngăn cách làm bằng cây hoa râm bụt hoặc cây duối. Con đường từ cổng vào nhà thường trồng hai loại cây chủ lực là hoa mai và cây cau. 


Đọc tiếp: Du lịch Cửa Lò

Sau khi đi thăm các nhà cổ, khách sẽ trở lại nhà ông Nguyễn Xuân Hải để cảm nhận được một ngôi nhà cổ gần như còn nguyên sau 200 năm xây dựng. Đây cũng là một ngôi nhà khá độc đáo nằm trong một khu vườn khá lớn với nhiều chủng loại cây ăn trái. Trong vườn nhà ông Hải, khách được mời uống trà trong những chiếc tách gỗ xinh xinh, ngồi trên bộ bàn ghế làm bằng rễ cây. Khách cũng có thể ngắm nhìn đàn gà đang dắt con đi kiếm ăn hay thăm vườn cây trong ánh nắng chen trên cành lá. Kiến trúc nhà cổ của ông Hải khá đẹp. Nơi đây còn là một “bảo tàng tư nhân với rất nhiều "đồ cổ như chén bát, tủ thờ, liễn, câu đối". Cái thú của khách còn chính là nhìn thấy cách sinh hoạt của một gia đình làng quê như nấu cơm bằng bếp "kiềng ba chân” và củi đun chính là những nhánh cây khô trong vườn. Gáo múc nước bằng gáo dừa làm trong vườn nhà. Khách cũng có thể tò mò mua vài chiếc gáo dừa hoặc bộ bình nước pha trà bằng trái dừa khô tạo nên.


Đọc tiêp: Du lịch Quan Lạn

Dạo chơi trên đường quê bằng xe ngựa là cái thú rất lạ, nếu không nói đó là một cảm giác hoàn toàn mới. Cứ hai khách leo lên một chiếc xe ngựa. Người lái xe ngựa đã có hơn 30 năm điều khiển chiếc xe “thế kỷ” sẽ đưa bạn đến thăm làng nghề dệt chiếu và làng nghề se nhang.

Sự hấp dẫn của chuyến đi dạo làng cổ Nha Trang chính là sự ẩn hiện đến lạ kỳ của một miền quê với "hàng cau phía trước, bụi chuối phía sau”, còn là bắt gặp cổng làng chơ vơ trên con đường mòn băng qua những bờ ruộng theo cách nhà văn Lỗ Tấn nói "Người ta đi mãi mà thành đó thôi".

Vẻ đẹp huyền bí của bãi biển Thiên Cầm



Nếu bạn đi nghỉ mát, tắm biển vào mùa hè hãy dừng chân ở bãi biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) bởi nơi đây không đơn thuần mang một vẻ đẹp hoang sơ, môi trường trong lành yên tĩnh và hứa hẹn nhiều điều tuyệt vời cho một kỳ nghỉ mà nó còn gắn với nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn.

Bãi biển Thiên Cầm như một hình cánh cung trải dài gần 3 km bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi, cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, để dòng suối trong vắt này uốn lượn rồi đổ ra biển.


Đọc tiếp: Du lịch Vân Đồn

Thiên Cầm ấn tượng với du khách ngay từ cái tên gọi đầu tiên. Thiên Cầm có nghĩa là đàn trời, tương truyền do Hùng Vương khi đi đến đây nghe trên trời có tiếng nhạc nên đặt như vậy nhưng truyện khác kể rằng, Hồ Quý Ly khi trốn chạy qua đến đây thì bị bắt nên có tên là Thiên Cầm (Trời bắt).

Đến Thiên Cầm du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển cả của núi non hùng vĩ. Nước biển trong xanh, mát dịu. Những làn sóng nhỏ cuốn tất cả mọi thứ ra xa rồi để lộ những bãi cát trắng trải dài, mịn màng như một dải lụa.



Chỉ có ở Thiên Cầm du khách mới có thể nghe những âm thanh tuyệt diệu của tiếng gió biển, của tiếng sóng vỗ, của tiếng lá reo dọi vào vách núi tạo thành những bản nhạc du dương đưa du khách tới một miền diệu kỳ với những giây phút thoải mái, nhẹ nhõm vô cùng. Ở đây, ta như được thưởng thức bản nhạc của gió, của sóng biển.

Phía xa xa là những hòn đảo nhỏ, xinh xắn và kỳ bí, sau những giây phút thoải mái ở Thiên Cầm du khách có thể ra đó chơi bằng thuyền máy và thả hồn giữa trời nước mênh mông hay là đắm mình trong những làn nước trong xanh trên bãi tắm nhỏ.

Du khách có thể ra đảo Bớc - nơi có một bãi đá tuyệt đẹp quay ra biển, sóng dội trắng tinh. Phía quay vào bờ là bãi tắm lý tưởng lăn tăn gợn sóng, êm đềm, nhẹ nhàng đến dịu êm.


Đọc tiếp: Du lich Phu Quoc gia re

Rời đảo Bớc, thuyền sẽ đưa du khách ghé vào bãi tắm Tiên dưới chân núi Tượng. Bãi tắm chồng chất các hang đá và bãi cát đan xen, có khe nước vừa mặn, vừa ngọt phân chia ranh giới tùy theo thủy triều vào, ra. Rải rác theo bờ đá, là những người thợ bẫy chim cu kỳ, lặn tôm hùm, bắt nhím biển.

Án ngữ biển Thiên Cầm là núi Thiên Cầm. Núi không cao nhưng tạo thành một danh thắng sơn thuỷ hữu tình. Cách chân núi không xa là chùa Yên Lạc cổ kính vẫn còn giữ một báu vật nổi tiếng đó là : “Thập điện diêm vương”.

Không những được ngắm cảnh, tắm mát, đi chơi mà du kháhc còn được thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây cũng như: chim Cu Kỳ, tôm hùm, mực ống, nước mắm Nhượng...

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Chùa Thành điểm du lịch hấp dẫn của xứ Lạng


Du khách lên Lạng Sơn đều mong muốn đến viếng thăm một trong những "Trấn doanh bát cảnh", (tám cảnh đẹp kỳ thú của Xứ Lạng đã đi vào thi ca): động Tam Thanh, Nàng Tô Thị, Nhị Thanh, chợ Kỳ Lừa, chùa Tiên, Chùa Thành...

Chùa Thành (ảnh) là ngôi chùa cổ bề thế ở Lạng Sơn. Chùa do nhân dân quanh vùng lập nên vào thế kỷ XV (thời hậu Lê), còn được gọi là Diên Khánh tự, (có nghĩa là tích thiện để có nhiều phúc cho đời sau). Chùa nằm ven bờ nam sông Kỳ Cùng thơ mộng, chảy qua giữa lòng thành phố Lạng Sơn. Ðối diện với bờ bắc là Ðền Kỳ Cùng, đều đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.



Chùa Thành là một công trình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và quy mô nhất trong số đền, chùa ở Lạng Sơn. Chùa kiến trúc theo kiểu "nội công - ngoại quốc", gồm đủ: tam quan - tiền tế - hậu cung - nhà Tổ - cung Mẫu... Loại di vật quý trong Chùa hiện còn lưu giữ là nhiều tấm bia đá.

Có văn bia ghi rằng: "Chùa Diên Khánh gần ngay phố chợ mà nhìn xa là một dải sơn hà, quả là danh thắng dồi dào phúc đức của bẩy châu vậy. Xưa thương khách tấp nập, của cải đầy ắp nên mới xây Chùa này, chuyên thờ Quan Thánh Ðế quân... Số là do cầu đảo linh thiêng nên sư trụ trì đã tô thêm tượng và trở thành ngôi chùa thờ Phật. Trước mặt là đền Kỳ Cùng, chùa Tam Giáo xa xa bên kia sông. Du chơi, vãn cảnh thích thú biết chừng nào". Chùa cũng lưu giữ được nhiều hiện vật cổ quý khác như các hệ thống tượng Pháp, câu đối, hoành phi... có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình. Ðặc biệt có quả chuông lớn do nhân dân địa phương đúc và cung tiến vào năm 1697, nặng 600 kg, bằng đồng pha gang.


Chung quanh chùa Thành xưa kia còn có một số đền, miếu, có cột đồng trụ, nhà công quán. Tài liệu xưa cho biết: Công quán là nơi để đón tiếp các đoàn sứ bộ của các triều đại qua lại bang giao giữa hai nước. Trước khi vượt sông Kỳ Cùng, các sứ thần hai bên đều vào tế lễ ở đền Kỳ Cùng, rồi vượt sông sang nhà công quán nghỉ ngơi, làm các thủ tục vào triều...

Còn cột đồng trụ dựng trước nhà công quán là biểu tượng của cửa ải. Nhưng đáng tiếc, những dấu tích của cột đồng trụ, nhà công quán đã không còn. Vào cuối triều Lê, chùa này bị phá hủy. Ðến triều đại Quang Trung, chùa Thành mới được xây dựng lại vào năm 1796 và từ đó đến nay, chùa đã năm lần tu sửa, tôn tạo.


Gần đây nhất là từ năm 2004, do có sự công đức của các tăng ni phật tử trong cả nước, chùa Thành một lần nữa được trùng tu, tôn tạo mới gần như hoàn toàn, với tổng kinh phí lên tới hơn 11 tỷ đồng. Trong đó đúc mới quả chuông nặng 2.100 kg và 40 pho tượng. Vì vậy chùa Thành có một kỷ lục do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập: "Ngôi Chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam".

Chùa Thành thu hút rất đông khách du lịch trong nam, ngoài bắc và khách nước ngoài đến thăm, bái lễ, tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc, cầu mong sự thịnh vượng và bình yên ở vùng đất biên cương.

Vẻ đẹp tạo hóa ban tặng cho hồ Ao Châu


Hồ Ao Châu 99 lạch nước, thơ mộng đến huyền ảo, danh thắng hiếm lạ trên vùng cao huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, có sức thu hút ngày càng đông du khách, nhất là vào mùa hè oi nóng.

Ao Châu mênh mông như một vụng biển lạc vào miền cao giữa bốn bề núi biếc, với gương nước 280 ha điểm xuyết 20 hòn đảo và bán đảo như chuỗi ngọc xanh mướt rừng già, tạo thành 99 lạch nước thông nhau như thể một bàn cờ Tiên tạo hóa vẽ bằng nước biếc.

Giữa các lạch nước quanh co uốn lượn, lại rải rác cơ man là đảo nhỏ, khiến cảnh trí càng đa dạng. Trên con thuyền nhẹ trôi êm giữa trời mây non nước, khách ngợp mình trong hơi gió mát, cảm thấy tâm hồn như trải ra man mác với gương hồ, an tĩnh và thư thái như hơi gió nhẹ.



Giữa mênh mang thiên nhiên, con thuyền như chiếc lá, sắc nước ngời như gương, lấp lóa bóng mây bóng núi, có cảm giác lạc vào xứ mê cung kỳ ảo của miền cổ tích sâu thăm thẳm.

Cổ tích vô cùng giàu có trên Ðất Tổ thì gợi nghĩ suy, liên tưởng đến vô cùng. Này đây, chín mươi chín mạch nước hồ - biển Ao Châu của miền đất có đền Mẫu Âu Cơ. Xa xanh kia là bóng Núi Hùng với 99 đồi núi tượng hình đàn voi chầu về Ðền Tổ. Thiên nhiên xứ sở được tạo hình như là theo lẽ huyền vi cân bằng vĩnh cửu, để trường tồn và sinh sôi vạn thuở, cho tâm tính cư dân nghìn đời ưa chuộng thanh bình, hòa ái, sánh vai mà cùng nhau phát triển. 

Thiên nhiên ban tặng những hòn ngọc quý cảnh quan mỹ lệ, như Ao Châu, mà giờ đây dân cả nước và khách nước ngoài tìm đến để thư thái tâm hồn, làm giàu xúc cảm sau hành trình chiêm bái Ðền và Lăng Tổ, không quên ngược lên vùng cao thắp hương đền Mẫu Âu Cơ.



Chính quyền và nhân dân địa phương đón khách bằng việc điểm tô cảnh trí và sắp đặt các dịch vụ, khởi đầu còn đơn sơ, nhưng chan hòa, mến khách. Những mái ngói miếu đền, những dáng nhà tám mái ẩn khuất dưới tán rừng già, rừng thứ sinh, rừng cọ mới trồng trên các đảo mời gọi du khách ghé thuyền lên thưởng ngoạn. Và những vườn vải chín đỏ thoạt nhìn đã nghe vị ngọt lan tỏa nơi chót lưỡi...

Dân trên đảo mừng rỡ đón khách tận chân mép nước, tiếp đãi chân tình, người già thì kể thêm huyền thoại, cổ tích riêng từng đảo, như cả một kho tàng bí ẩn bao đời dành sẵn cho ngày nay làm quà cho du khách...

Ðấy là Ao Châu của hôm nay, thiên nhiên đã có sức sống hồi sinh, xanh trong trở lại, bằng nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và nhân dân sở tại, sửa chữa sai lầm của cuộc mưu sinh hồ đồ và phát triển thiển cận trên cả một vùng. Bây giờ đã xóa đi dấu vết nhức nhối của nạn phá rừng xóa sạch cả thảm thực vật ven hồ, làm lắng đọng phù sa khiến hồ giảm hẳn độ sâu; của nạn đánh bắt tôm cá ồ ạt, gần như hủy diệt các giống ba ba nước ngọt; của ô nhiễm nước hồ bởi thuốc trừ sâu, phân hóa học từ những đồi bãi ven hồ và từ đồng ruộng các nơi ở đầu nguồn, nhất là từ nhà máy giấy... làm bẩn nước hồ và gây hại các loài thủy tộc...



Gần đây, danh thắng Ao Châu được địa phương nhận thức hết tầm ảnh hưởng của nó đối với đời sống kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái - tiềm năng du lịch, Dự án "Bảo vệ đa dạng sinh học đầm Ao Châu, dựa vào cộng đồng" đã huy động được sức dân tham gia khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, sau năm năm đổ mồ hôi công sức, Ao Châu đã có thể thu hút trở lại khách thăm.

Và nhiều tuyến đường vào sâu trong lòng hồ đang mở, bến thuyền đón khách cũng đã mở ở khu 6 xã Ấm Hạ, xe du lịch đã có thể đưa khách thăm các đồi vải; cầu Hạ Hòa nối liền quốc lộ 32C và quốc lộ 70 đã được khởi công xây dựng, để sớm nối liền hành trình du ngoạn Ðền Mẫu Âu Cơ - Ao Giời Suối Tiên - hồ Ngòi Vần với Ao Châu.