Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Hội nghị tổ chức lễ hội tỉnh Bắc Ninh 2019

Ngày 24-1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị triển khai công tác chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội tỉnh Bắc Ninh năm 2019.

Bắc Ninh là một trong những địa phương có nhiều lễ hội thu hút người dân cả nước, trong đó phải kể đến là Lễ hội đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh, Lễ hội Lim, Lễ hội làng Ném Thượng, Lễ hội rước pháo Đông Kị… 


Nhiều năm trở lại đây, nhiều lễ hội của Bắc Ninh được cho là điểm “nóng”, ví như Lễ hội đền Bà Chúa Kho với tình trạng chen lấn xô đẩy, lạm dụng đốt vàng mã; Lễ hội làng Ném Thượng với những tranh cãi về tục chém lợn… Cơ quan quản lý văn hoá tỉnh Bắc Ninh thời gian qua liên tục có những phương án, biện pháp quản lý để công tác tổ chức diễn ra an toàn và văn minh hơn.

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh, trong mùa lễ hội xuân năm 2018, công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được thực hiện tốt, bảo đảm an ninh, an toàn. Một số lễ hội như: Lễ hội Lim, Lễ hội Đền Bà Chúa kho, Lễ hội làng Ném Thượng đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác vệ sinh môi trường chưa bảo đảm; hiện tượng ùn tắc giao thông, lấn chiếm khu di tích vẫn còn; việc đốt vàng mã có giảm song chưa đáng kể; hiện tượng đổi tiền lẻ còn diễn ra...

Trong mùa lễ hội xuân 2019, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ một số nội dung trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội như: Triển khai nghiêm các thủ tục đăng ký tổ chức lễ hội; ban hành quy định cụ thể về trang trí, khánh tiết tại khu vực tổ chức lễ hội; xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa lễ hội...

Đối với một số lễ hội được coi là điểm nóng trong các năm trước, tỉnh Bắc Ninh sẽ có những biện pháp bảo đảm an ninh với du khách tour lễ hội 2019. Trong đó, cơ quan quản lý quán triệt nghiêm túc việc không thực hiện tục “chém lợn” trong lễ hội làng Ném Thượng. Các lễ hội phải được tổ chức đúng quy định của các cấp, nghiêm túc thực hiện việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, gây phản cảm trong xã hội như đánh bạc trá hình, mê tín dị đoan...

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Cảnh quan hùng vĩ đặc sắc của Côn Sơn Kiếp Bạc

Là Di tích quốc gia đặc biệt, trong những năm qua, khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.

Hiện nay tỉnh Hải Dương đang triển khai nhiều hạng mục tôn tạo tại khu di tích, trong đó có việc khôi phục lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, tạo thêm điểm nhấn tâm linh cho khu di tích, góp phần phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Sơn-Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch.

Nhiều phát hiện khảo cổ mới

Mới đây, trong quá trình thi công phần móng công trình khôi phục lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát tại vị trí phía sau nhà thờ tổ chùa Côn Sơn, Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã phát hiện nhiều hiện vật quý. Theo tiến sỹ Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, đơn vị đang tiến hành thống kê, xử lý tư liệu hiện vật.


Sơ bộ, lần này, đơn vị đã xác định được trên 700 hiện vật quý gồm trên 500 mảnh ngói mũi hài tráng men và 3 viên ngói mũi hài tráng men còn nguyên vẹn cùng 110 viên ngói đất nung cùng nhiều hiện vật là đồ trang trí đất nung, đồ gốm, lon sành. Có thể khẳng định, những hiện vật này thêm một lần nữa củng cố cho nhận định tại đây đã từng có một công trình văn hóa tráng lệ thờ Phật, nằm trên trục đường thần đạo của di tích Côn Sơn.

Trước đó, cuộc khai quật khảo cổ học vào năm 1998 do Bảo tàng tỉnh Hải Dương và Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thực hiện ở vị trí cạnh Giếng Ngọc đã phát hiện nhiều viên ngói tráng men hoa nâu (niên đại thế kỷ XIII, XIV), vì kèo bằng gỗ, nền móng kè đá… Các nhà khoa học cho rằng có thể đây là dấu tích kiến trúc của một công trình thờ Phật hoành tráng.

Các cuộc khai quật khảo cổ học tại chùa Côn Sơn vào năm 1979, 1994 và năm 2000 cũng cho thấy dưới lòng đất Côn Sơn chứa đựng những dấu vết của nhiều công trình kiến trúc cũ. Mặc dù diện tích khai quật không nhiều so với quy mô của di tích nhưng 3 lần khai quật đều thu được kết quả quan trọng; trong đó phải kể đến việc phát hiện dấu vết kiến trúc ở thế kỷ XIV với hiện vật ngói tráng men có hoa văn. Những kết quả khảo cổ này đã bổ sung tư liệu lịch sử về di tích Côn Sơn, khẳng định tại đây vào thời Trần đã có một quần thể gồm những công trình kiến trúc, cầu, tháp tráng lệ. Đây là cơ sở khoa học vững chắc cho việc trùng tu, tôn tạo, từng bước trả lại những gì vốn có cho di tích.

Quan tâm công tác tu bổ, tôn tạo

Hiện nay, công trình khôi phục lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đang được Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc triển khai tích cực. Đây là dự án đã được tỉnh Hải Dương phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2016.


Theo nội dung dự án, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát được xây dựng cạnh Giếng Ngọc, cao 15m so với mặt bằng chùa Côn Sơn. Lầu theo lối phương đình 2 tầng 8 mái, đao tàu chéo góc, lợp ngói tráng men. Lầu cao 9,5m. có kết cấu móng bê tông cốt thép, hệ thống cột và vì mái bằng gỗ, nền lát đá xanh. Trong lầu thờ tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát dự kiến cao 1,75 m tọa thiền trên đài sen. Từ lầu thờ nhìn xuống bao quát được toàn cảnh chùa Côn Sơn, phía trước là vườn hoa, tạo thành chữ Phật.

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Minh, nguyên Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc khẳng định, công trình lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát Chùa Côn Sơn sau khi được khôi phục sẽ là một điểm nhấn kiến trúc linh thiêng, kết nối các công trình kiến trúc khác của chùa với cảnh quan hùng vĩ của núi rừng Côn Sơn, Thanh Hư Động, Am Bạch Vân…

Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc là quần thể gồm các công trình kiến trúc đồ sộ, không chỉ được biết đến là chốn tổ của dòng thiền phái Trúc Lâm mà còn gắn liền với tên tuổi, thân thế và sự nghiệp của hai vị Anh hùng dân tộc là Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi cùng nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán.

Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, danh thắng, nhiều năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã được Trung ương và địa phương quan tâm. Tháng 12/2012, tỉnh Hải Dương phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc gồm 12 hạng mục với kinh phí 77 tỷ đồng. Năm 2014, tỉnh phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Côn Sơn và tháng 3/2015, dự án đã được khởi công. 

Theo kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo chùa Côn Sơn được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là hoàn thành phục dựng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, nhà Tổ Đường, nhà Hậu Đường cùng các công trình phụ trợ đến nay đã hoàn thành. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai gồm các hạng mục tu bổ, tôn tạo Giếng Ngọc, Lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, đường lên tháp Tổ, tả hữu tiền hành lang, gác chuông, xây dựng khu tăng ni chùa Côn Sơn.


Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, công tác trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc tại Côn Sơn-Kiếp Bạc từ trước đến nay luôn căn cứ vào những kết quả khảo cổ học, được thực hiện cẩn trọng với sự giám sát chặt chẽ của các nhà khoa học đảm bảo các hạng mục sau khi tu bổ, tôn tạo và xây dựng đều đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, hòa nhập cảnh quan chung của khu di tích.

Hoàn thiện không gian kiến trúc, cảnh quan khu di tích

Về thăm Côn Sơn-Kiếp Bạc thời gian gần đây, nhiều du khách tỏ ra hài lòng khi chứng kiến cảnh quan của khu di tích đã có nhiều đổi thay tích cực. Toàn bộ hàng quán dọc hai bên đường vào chùa Côn Sơn nay được chuyển ra khu vực gần bãi xe, thay vào đó là khuôn viên trồng nhiều loại hoa, cây xanh. Nhiều cây vải già cỗi cũng được cắt tỉa. Những dãy ghế đá được kê thêm dưới tán thông làm nơi nghỉ chân cho du khách khi về Côn Sơn dâng hương, vãn cảnh. Các công trình phụ trợ như nhà bếp, nhà xe, nhà kho sau nhiều năm xuống cấp nay đã được xây mới. Tại khu di tích Kiếp Bạc, hệ thống tiêu thoát nước được cải tạo, mặt hồ được thả hoa sen, hoa súng; cây xanh được trồng ở khu vực phía sau đền Kiếp Bạc. Bãi đỗ xe, các lối vào đền Kiếp Bạc được mở rộng, nâng cấp.

Những nỗ lực của tỉnh Hải Dương đã và đang góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc, cảnh quan của khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, làm tăng giá trị lịch sử, thẩm mỹ, công năng sử dụng, phục vụ phát triển du lịch, công tác nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Những việc làm này góp phần bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu di tích, thu hút các nguồn lực đầu tư theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy khu di tích lịch sử Côn Sơn-Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước đưa Côn Sơn-Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia./.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

Quảng Ninh đón 200.000 lượt khách du lịch trong đợt nghỉ Tết Dương Lịch

 Mặc dù thời tiết rét đậm nhưng trong 4 ngày của đợt nghỉ Tết Dương lịch, Quảng Ninh đã đón 200.000 lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018


Du khách quốc tế đến Quảng Ninh chủ yếu từ thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Trong đó, khách tour Hà Nội Hạ Long thăm Vịnh Hạ Long đạt gần 55.000 lượt. Riêng ngày đầu tiên của năm 2019, khách tham quan Vịnh Hạ Long đạt trên 10.000 lượt, trong đó hơn 1.300 khách nội địa và hơn 9.000 khách quốc tế. Công suất buồng các khách sạn 4-5 sao đạt khoảng 95 - 98%.

Năm nay dịp nghỉ tết Dương lịch kéo dài, cùng với đó tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Khai trương Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, thông xe tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn nên lượng khách đến Quảng Ninh tăng mạnh, đặc biệt là khách lưu trú.


Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh cho biết, để phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong dịp Tết Dương lịch, các đơn vị lữ hành, khách sạn lớn cũng tổ chức các hoạt động chào mừng năm mới, đón giao thừa tạo cho du khách du lịch Hạ Long Cát Bà nhiều trải nghiệm.

"Với sự cố gắng, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, du lịch kể cả người dân trong làm du lịch để có môi trường thật sự tốt vừa để phát triển du lịch vừa để nâng cao môi trường du lịch, đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội", ông Thủy nói./.